Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

NGƯỜI BẠN THÀNH ĐẠT


         
       Sáng nay Lê Xê gọi điện từ Mỹ về khi mình chuẩn bị rời nhà đi làm.Thì ra bên ấy đang là đêm, hắn từ Sài Gòn bay qua đoàn tụ với vợ con trong những ngày Tết, ở chơi dài dài đến nay chưa về. Quyên và các cháu hỏi thăm mình, nên hắn gọi.
        Lần nào gọi cho mình hắn cũng nói chuyện chừng vài mươi phút, con cà con kê, chuyện xưa chuyện nay đủ điều mới đi vào phần chính thăm hỏi, tâm sự… có lần mình tỏ ra sốt ruột cho cái khoãn tiền điện thoại mà hắn sẽ phải trả, hắn cười giả lã: “Mi cứ hay lo Bò trắng răng, bạn mi đã thành đại da từ lâu lắm rồi…he he…”. Như thế là biết hắn đang vui, hắn có thể nói chuyện qua điện thoại đến khi cái máy của mình nóng rực mới thôi.
        Thực ra với Lê Xê, chẳng ai thân và hiểu hắn bằng mình, cũng như chẵng ai hiểu mình bằng hắn. Ông Trời hình như đã sắp đặt để 2 đứa là bạn của nhau và làm nên sự gắn bó lâu dài bền chặt rất hiếm gặp. Mấy chục năm rồi thân thiết nhau như vậy, hắn luôn lại là người âm thầm đứng bên cạnh mình, kể cả những lúc mình khốn khó nhất, mặc dù mỗi đứa ở mỗi phương trời xa lắc. Mình luôn cảm thấy phải chịu ơn hắn về một điều gì đấy. Có lẽ thế này chăng: hắn bao giờ cũng hơn mình một cái đầu và cả sự may mắn nữa. Ở một góc độ nào đó, hắn là người thành đạt, có thể coi là thành đạt nhất trong đám bạn bè mình.
        Người Quảng Trị vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp từ những năm 80 của thế kỷ trước, có nhiều người thành đạt, nhưng khó có ai được như hắn: Công việc ổn định, kinh tế khá giả (hắn không bao giờ cho mình là giàu), xây dựng cơ sở, nhà cửa và tạo công ăn việc làm, đưa được cả gia đình ba mạ em út, bà con chú bác …từ quê nghèo nông thôn vào Thành phố làm ăn và sống một cách đàng hoàng, sung sướng. Có thể nói hắn đã làm đổi đời cho cả gia đình lớn của hắn, vừa báo hiếu trọn vẹn cho ba mạ, vừa lo lắng chu toàn cho các em: dựng vợ gả chồng,  nhà cửa, tạo việc làm trọn vẹn cho từng đứa. Được như vậy kể cũng hiếm người.
        Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khó và đông con, phải rời quê vùng Trà Lộc (Hải  Xuân - Hải Lăng) đẹp  như  tranh vẽ, lên Trung du Gio Linh “xây dựng kinh tế mới”, cả gia đình hắn có 8 nhân khẩu, phải trãi qua những kỳ đói kém kinh niên, ăn không đủ ăn, mặc không đủ mặc…Mình và hắn gặp nhau lần đầu tiên vào mùa hè năm 1979, trong lần ra Hồ Xá làm hồ sơ ở phòng giáo dục để dự thi vào trường vừa học vừa làm (Khi ấy, Gio Linh, Vĩnh Linh còn gộp chung là huyện Bến Hải) mình đi với rất nhiều bạn bè cùng lớp cấp 2, nhưng không hiểu sao, cái thằng ăn mặc kỳ dị: áo quần khâu tay từ vải bao cát, ốm nhách, đen thui… là Lê Xê hồi ấy lại làm mình chú ý, hắn đến từ trường khác nên chúng mình làm quen với nhau. Hình như bửa trưa hôm ấy hắn đi bộ từ nhà ra đến đây (quảng đường hơn 20 cây số), hình như mạ hắn chỉ đùm theo cho mấy lát bánh khoai chen (loại bánh nấu từ khoai lang cắt lát, phơi khô mà người dân vùng mình dùng để ăn khi thiếu gạo), hình như mình có mua 1 que kem mời hắn…Hình như…(lâu quá không nhớ nữa!), chỉ vậy thôi và…quên nhau. Hơn tháng sau, bọn mình nhập trường vào nội trú, đứa nào cũng mang vác đồ đạc lỉnh kỉnh, chẵng đứa nào có xe đạp, nên toàn đi bộ, đứa vác đứa gánh thật vui…Trên đường đi, thật tình cờ mình gặp lại hắn, vẫn cái quần may bằng vải bao cát, ống rộng thùng thình, vẫn cái áo cũ sờn vá đến mấy lỗ…(Nhớ lại cái đám học trò của tụi mình nhập học trường VH-VL Cồn Tiên hồi ấy, so với bây giờ thực là một trời một vực! Đúng là cái thời đói rách)
        Mình và hắn được phân về 1 lớp, vậy là 2 thằng chọn chung 1 cái giường tầng trong khu nội trú, hắn nằm dưới, mình ở trên, hắn mang theo một cái rương (hòm đựng đồ đạc) có cái khoá tụ chế bên trong, chỉ mở bằng 1 que sắt nhỏ nhưng không có bất kỳ ai mở được, ngoài hắn. Ấn tượng đầu tiên của mình về sự thông minh ở hắn là từ cái khoá độc đáo này. Mà rỏ ràng hắn rất thông minh, chỉ sau một thời gian nhập trường, hắn trở thành thằng giỏi nhất lớp, nhất khoá trong tất cả các môn học. Lúc đầu cứ nghỉ do học lại kiến thức cấp 2 nên hắn giỏi thế, kỳ thực không phải, hắn học giỏi thuộc loại bẩm sinh. (Có một điều đặc biệt của giáo dục huyện Bến Hải hồi đó: học sinh 2 bên bờ Bắc Nam sông Bến Hải học 2 hệ khác nhau, hệ 10 năm và hệ 12 năm, sách giáo khoa hệ 10 có những môn  thua hệ 12 đến 1 năm như môn Toán, môn Hoá…, trường PTTH VH-VL Cồn Tiên thành lập năm 1979, dạy chương trình hệ 10 năm, lứa tụi mình là lứa học sinh đầu tiên của trường, có đứa học cấp 2 qua hệ 10, có đứa qua hệ 12…nhưng về đây là cùng học lớp 8 (hệ 10), nên những đứa ở bờ Nam như tụi minh coi như là học lại).
          Bạn bè học chung lớp, lại cùng ăn ở 1 nhà, nằm chung 1 giường …mình và hắn thân nhau lúc nào không biết. Có chi cũng chia phần cho nhau, có chi cũng tâm sự cùng nhau. Hắn lúc nào cũng nổi trội hơn mình trong mọi trò quỉ quái, hồi đó đói vàng con mắt, học sinh tụi mình một buổi học trên lớp, một buổi phải đi làm cho nông trường để được “nuôi cơm”, buổi sáng được phát cho cái bánh mỳ, trưa chiều là 2 bát lưng cơm, đang tuổi ăn, tuổi lớn, đói là cảm giác thường trực. Vậy là bắt đầu những trò quỉ để cải thiện thêm cho cái dạ dày. Hồi đó ở nông trường bộ trồng rất nhiều mía, giống mía nhập khẩu từ Cu Ba, cây to và nhiều đường. Đêm đêm học sinh tụi mình nghi binh với bảo vệ để đi bẻ trộm mía, cái rương thằng Xê lúc nào cũng đầy mía, chia nhau ăn lén lút kẻo sợ… thầy. Lại có bận trong rương của hắn có rất nhiều bánh mỳ, toàn bột nỡ loại ngon, rồi có cả những loại củ , quả  “ăn được ngay” nữa. Ở với hắn thật sướng, nhưng tịch nhiên không biết, không thể biết hắn kiếm từ lúc nào. Mình vốn là thằng nhát như cáy, hắn ít khi cho mình tham gia các “phi vụ cải thiện” của hắn.
          Ở với nhau, học với nhau, mỗi tuần nghỉ tụi mình hay đưa nhau về nhà. Ba mạ mình rất quí Lê Xê vì sự lanh lợi và dí dỏm của hắn, cũng như ba mạ và các em hắn vẫn luôn quí mến và coi mình như con cái, anh em trong nhà, mấy chục năm rồi vẫn vậy, vẹn nguyên…!
           Ở Cồn Tiên được một năm, Lê Xê nổi tiếng là một “tên” học sinh giỏi, hắn làm như chơi, học như đùa thế mà điểm số thì khi nào cũng nhất. Chỉ có điều hắn nghèo, xấu trai rồi lại còn đen thui lủi nên hình như cái khoản “yêu đương đầu đời” với một em nội trú cùng lớp lại gặp trục trặc(?), gần cuối năm học lớp 8, hắn đã có ý định ra đi…, mà hắn đi thật, hắn rủ mình làm đơn chuyễn qua học một trường vừa học vừa làm khác, nhưng mình còn lềnh khênh, chẵng dám quyết…
           Kỳ nghỉ hè năm 1980, hắn đi bộ qua Tân Lâm để liên hệ xin chuyễn trường. Khi đã cầm hồ sơ đầy đủ trong tay, hắn mới sang nhà mình (cách 8 cây số) để nói với ba mạ cho mình đi theo. Một tháng sau, mình chuyễn được lên Tân Lâm thì mọi sự biên chế đã xong, nhà trường xếp mình vào học lớp 9B, một lớp khác lớp hắn, khu nội trú theo từng đội sản xuất của Nông trường nên mình và hắn không được ở cạnh nhau nữa. Sự hửng hụt ban đầu vì xa nhà, lạ nước lạ cái, không có bạn bên cạnh, lại đói, đói và thiếu thốn hơn ở trường Cồn Tiên… đã tác động nghiêm trọng đến tình cảm và kết quả học tập năm đó của mình, khoãng hết học kỳ 1, mình làm đơn xin thôi học!
            Nếu Lê Xê không cương quyết, chắc là mình đã bỏ học từ năm đó. Hắn đã cố gắng thuyết phục mình, khuyên nhủ mình như thằng anh đối với thằng em (mặc dù hắn nhỏ hơn mình 1 tuổi), dần dần hắn làm mình nguôi ngoai và vượt qua được năm học lớp 9
           Hồi đi học, mình chỉ học khá nỗi một môn Văn, các môn học khác chỉ ở ngưỡng …xấp xĩ trung bình. Mình và hắn đều có tên trong đội tuyển học sinh giỏi của Trường đi thi đấu tại Đông Hà, mình thi Văn, còn hắn thi Toán. Năm đó 2 thằng cùng đem về được giải Ba, nhà trường có thưởng cho được 2 mét vải “lọ chéo” đem may áo.
            Ở Tân Lâm những năm ấy đói kém kinh khủng, khẩu phần học sinh chủ yếu là mì hột nhập từ Liên Xô, ăn thế nào nó cho ra nguyên như thế. May mà nông trường hồi ấy còn trồng Dứa giữa lô Hồ Tiêu, đêm đêm học sinh tụi mình đi bẻ Dứa trộm, có đứa “sa chân” bị bảo vệ  cạo trọc đầu (Thực ra các anh ấy bắt được đứa nào là xẽo ngang tóc, buộc phải cạo luôn), nhiều đứa bị “cạo” như thế, nhưng Lê Xê thì không. Phải nói hắn tài!
            Năm lớp 12 (Lúc này các hệ học đã đổi tên thống nhất sang hệ 12) bọn mình được về nội trú tập trung tại khu vực Trung tâm của trường, mỗi lớp ở mỗi dãy nhà xây tương đối khang trang, mình thường qua lớp A để Lê Xê phù đạo thêm các môn tự nhiên và chơi thân với nhóm bạn cùng phòng với hắn. Cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại, mình đều mang cảm giác biết ơn hắn vì đã cho mình thêm nhiều những người bạn thân và tụi mình vẫn gắn bó với nhau mãi đến nay như Văn Hùng (Hiện công tác trong ngành đường sắt Đà Nẵng), Lưu (Kiểm Lâm Quảng Trị), Chẩn, Vi ( Sài Gòn), Trinh (đã mất) và cả nhóm bạn Tân Lâm hiện tại (Sở, Năm, Sự, Thọ, Tiệu, Tiên , Hồng…v v…)
           Tháng 7/1982, mình và Lê Xê lên tàu vào thành phố Hồ Chí Minh dự thi Đại học, hắn thi phát đậu ngay vào Bách Khoa, còn mình thì rớt lại. Hồi đó, vào được Đại học quả là hiếm hoi, cả trường mình hình như chỉ mỗi hắn và Lê Gia Thức lớp mình thi đậu (Một số đứa khác trầy trật mãi sau này mới vào được). Từ đó 2 thằng xa nhau, hắn đi học đại học, mình thì bị gọi nhập ngũ sau đó ít tháng.
           Số phận lại dun dũi, xong khoá huấn luyện ở Thao trường Vực Trống (Nghệ Tĩnh), đơn vị mình lên tàu vào Nam để tiến thẳng sang Cam Pu Chia làm “nghĩa vụ Quốc tế”. Cuối năm 1983, mình được chọn về trường Hậu cần -Kỷ thuật Quân khu 7 đào tạo sĩ quan, trường đóng ngay tại Hốc Môn, chỉ cách ký túc xá đại học Bách khoa 10 cây số. Hàng tuần mình và hắn lại được gặp nhau. Có hắn, mình biết thành phố Hồ Chí Minh dài rộng thế nào, và mình bắt đầu tiếp xúc, bắt đầu làm thơ và quen biết 1 số bạn bè văn chương từ đó…
            Cuộc đời của mình và hắn có những giai đoạn cứ gắn kết với nhau như vậy, như là số phận. Những mối tình của hắn và cả những mối tình của mình đều có sự trực tiếp hoặc gián tiếp có sự can dự và chứng kiến của nhau, cho đến khi hắn ra trường, cho đến khi hắn lấy vợ và lập nghiệp ở thành phố.
           Mình xin phục viên ra khỏi Quân đội một phần cũng vì hắn, lúc đó hắn đã gián tiếp thổi lên trong mình một khao khát: Phải học đại học!
           Đầu năm 1988, mình rời quân ngũ, về “trốn chui trốn lủi” với hắn ở một phòng ký túc xá chật chội (Ban Quản lý KTX kiểm tra thường xuyên), chia nhau ăn cùng 1 phiếu cơm sinh viên, gần 1 năm như thế, hắn động viên mình đi học thêm, học lại kiến thức. Nhưng cuối cùng thì Mùa thi năm đó mình vẫn thi trượt. Mình và hắn đều rất buồn. Số phận đã vậy rồi, mình cũng đã mất hết, con đường mở ra trước mắt mình là về quê và cày ruộng. Năm sau thì mình lấy vợ. Cuộc đời mình chuyễn sang 1 bước ngoặc khác…
                                                                                                                 (Còn tiếp)
           







        

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

AN NHA THÔN

Blogs Tiengdantalu.vnweblogs.com đổi sang trang này:

TA NỢ GÌ QUI NHƠN?
                      Tặng T.N-M.A

Ta nợ gì nhau thế Qui Nhơn
Dát bạc màu mây biển bờ hẹn tới
Đêm Gành Ráng Trăng biết mình có lỗi
Nên Trầm tư hàn mặc với tâm tình

Ta nợ gì nhau thế Qui Nhơn
Mặc khách tao nhân bạc đầu bối rối
Hậu dạo khúc đàn Thu chúc ta về thêm tuổi
Một lần thôi trắng bạc tóc phong trần

Ta nợ gì nhau thế Qui Nhơn
"Dừng bước chân đi hoang" ta gặp đời  trong trẽo
Ôi Trung Nhân - nhạc của Thiền và triết lý
Cho ta ngơ  ngẫn  cõi Phật đài

Ta nợ gì nhau thế Qui Nhơn
Bè bạn gần nhau một thoáng thôi mà nhớ
Ly ca fê tràn men đêm nhà cổ
Giọng ca Mỹ Anh xao xuyến thiên bồng

Ta nợ gì nhau thế Qui Nhơn
Qua hưng khánh với sư thầy một chốc
Gặp những trái tim thiện nguyện cất lời
Ta nhắc thầm nhau sống đời đẹp tốt